Theo thống kê diện tích tre nứa ở Việt Nam đứng hàng thứ 4 trên thế giới, với 914 loài và 26 chi. Tre là tài nguyên rừng quan trọng của nước ta. Theo điều tra rừng năm 1993, rừng tre chiếm 11,4% tổng diện tích rừng với 5.551 tỷ thân. Tre phân bố rộng khắp từ đồng bằng cho tới miền núi cao. Các loại tre phổ biến ở Việt Nam phải kể tới như: tre gai, lồ ô, tầm vông, luồng, nứa, tre mạnh tông,… Đây là những loại tre quen thuộc và gắn bó trong đời sống người dân từ bao đời nay. Dưới đây là đặc điểm của những loại tre phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tre gai
Tre gai còn có các tên gọi khác như: tre nhà, tre hóa, tre là ngà,… thuộc họ Hòa Thảo. Đây là loại tre phổ biến nhất được trồng trên khắp cả nước. Cây mọc thành bụi lớn gồm nhiều thân. Thân cao 15-20m, đường kính thân 8-10cm. Phần ngọn cong, lá nhỏ và có nhiều gai. Lóng thân dài 10-15cm, thành vách dày 1.8-2cm. Đốt thân hơn phình, vòng mo rõ, có vòng phấn trắng ở trên và dưới vòng mo. Mỗi đốt thân có 3 cành chính, cành dày đặc ngay từ gốc. Trên cành có nhiều gai cứng và sắc, nhất là ở phần gốc.
Vòng mo hơi nhô cao, bẹ mo hình thang có hai cạnh hai bên hơi cong. Mặt ngoài có nhiều gân dọc phủ một lớp lông cứng màu nâu đen. Dưới đáy bẹ mo rộng 28cm, đáy trên 8-10cm, cao 20cm. Phiến mo hình ngọn giáo, đỉnh vút nhọn, mặt trong có nhiều lông. Phiên mo rộng 3-5cm, dài 0.6cm, mặt trong có gân nổi rõ và phủ lông cứng ngắn. Mặt ngoài nhẵn. Lá hình ngọn giáo, dài 20-25cm, rộng 1.5-2.5cm, đầu vót ngọn, gốc lá tròn. Lá có cuống và tai lá rõ rệt, gân lá 6 đôi, lưỡi lá nắng có lông tua mềm dài 0.6cm ở hai bên tai lá. Tai lá không rõ, cuống lá cao 0.5cm, rộng 0.1cm.
Tre gai được trồng ở khắp mọi nơi, xung quanh làng, bờ suối, chân đồi, ven bờ đê chống sói mòn sạt lở đất. Tre gai được dùng làm vật liệu trong xây dựng, làm nhà cửa và đan lát các loại vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài ra tre gai cũng là nguôn nguyên liệu để sản xuất giấy.
Tre nứa
Tre nứa cũng là một loại tre thuộc họ Hòa Thảo, rất đa dạng, có khoảng 10 chi, 45 loài ở nước ta. Thân cây cao 10-15m, đường kính 10cm – 25cm. Thân dạng ống, có nhiều đốt. Lá thuôn dài, có các đường gân song song. Cành phân chia 2 hoặc nhiều hơn, phát triển từ các mắt trên đốt thân. Cụm hoa hình bông, hoa có mày nhỏ, quả thóc. Cây tái sinh từ 1 đoạn thân hoặc 1 đoạn cành. Cây có thể mọc riêng lẻ hoặc mọc thành rừng, thường mọc thành bụi có nhiều cây.
Tre nứa được ứng dụng rộng rãi ở các khu vực nông thôn. Chủ yếu dùng để làm nguyên liệu sản xuất giấy, cót tre, các mặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ, làm phên tre, dựng vách nhà cửa.
Tre tầm vông
Tre tầm vông là một loài tre được trồng phổ biến ở miền Nam. Tầm vông mọc thành từng bụi, thân cao 6m-20m, đường kính thân 2-7.5cm, thân tròn đều, lóng thân dài 30cm-45cm. Khi non có phấn trắng, vách thân rất dày và đặc ở phần gốc. Các đốt phía dưới có cành ngắn và ít, các đốt phía trên có nhiều cành, trong đó có 3 – 6 cành chính. Mo nang khá thay đổi, hơi ngắn hơn các gióng, phía đầu tròn đều, mặt ngoài nhẵn hoặc có lông màu vàng nâu, tai mo khá rõ, thìa lìa rất ngắn.
Lá mo hình ngọn mác, dài bằng 1/3 mo. Những lá mo dài 5 – 12cm, rộng 1 – 2cm, lá lớn dài 7,5 – 25cm, rộng 1,5 – 3cm, mặt trên không có lông, mặt dưới có lông, gân bên 3 – 5 đôi, mép lá có răng cưa, bẹ lá khi non có lông, trưởng thành nhẵn, màu trắng hoặc màu vàng rơm. Hoa tự hình chùa, lớn; Bông chét màu vàng rơm, hình trái xoan, đính tập trung trên các đốt thành hình cầu (đường kính 1,3 – 5,5cm).
Tầm vông có thân cứng, thường được dùng trong xây dựng nhà cửa, làm giường, ghế, chõng tre, đan lát và cũng được trồng làm cảnh.
Tre lồ ô
Cây tre lồ ô hay còn gọi là cây lồ ô, có tên khoa học là Bambusa balcooa. Lồ ô có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cây mọc thành bụi, thân có thể cao tới 25m. Đường kính thân 15cm. Loại tre này cũng có những đặc tính như các loài tre khác.
Lồ ô được phân bố chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam. Hiện nay diện tích lồ ô đã bị giảm đi khá nhiều. Đây là loài tre mọc tự nhiên chưa được gây trồng, chưa có các nghiên cứu về nhân giống và trồng.
Lồ ô được dùng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm đan lát xuất khẩu, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, làm bột giấy, thức ăn cho gia súc.
Tre Luồng
Thân tre luồng cao từ 14m, ngọn cong 1m, đường kính thân 10cm. Lóng dài 30cm, vách thân dày 1cm, thân tre tươi nặng 37kg. Thân cây mập, độ thon ít, thẳng, tròn đều, 2/3 thân tre về phía gốc tròn đều. Vòng đốt không nổi rõ, 2-3 đốt cuối cùng có ít rễ mọc dài ra. 1/3 thân tre về phía ngọn mang cành lá, thân có vết lõm nông, nơi quang trống thì cành có thể xuống gần gốc. Mỗi đốt có một cành chính to, dài và 2-5 cành nhỏ hơn. Gốc cành chính phình to (gọi là đùi gà) có khả năng phát triển thành mầm và rễ. Chét là các cành ở sát mặt đất giữa phần gốc thân khí sinh và phần củ thân ngầm.
Tre luồng có thể mọc tự nhiên hoặc được gây trồng. Một số tỉnh có trữ lượng luồng lớn như: Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế…
Tre luồng được dùng để sản xuất ván tre ép, xây cất nhà cửa, đóng bàn ghế, nguyên liệu trong đan lát.
Tre Mạnh Tông
Tre mạnh tông là một loại tre mọc thành bụi và không có gai. Thân thẳng tròn đều, chiều cao từ 12-15m, đường kính thân từ 5-11cm, vách thân dày 2.2m, ngọn cong rủ, lóng dài từ 32cm – 40cm. Ngoài ra, thân tre Mạnh Tông có nhiều lông mịn màu hung. Phía trên và vòng mo phủ một lớp lông mịn màu hung, cao 1,1cm.
Phân bố: Tre Mạnh Tông được trồng và phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Bắc như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Bình…
Tre mạnh tông được dùng làm cột kèo và lấy măng. Trồng tre mạnh tông lấy măng cho giá trị kinh tế cao.
Tre bụng phật
Tre bụng phật còn có tên gọi là trúc quan âm, trúc đùi ếch. Thuộc họ Hòa thảo, mọc thành cụm, có hình dáng đẹp. Thân cây thường cao 4m – 6m. Thân màu xanh thẫm, sáng bóng. Lóng dài 4cm – 10cm, ít khi dài hơn, phình to ở phần dưới (giống đùi ếch, bụng phật). Phần phình to có đường kính đến 10cm -12cm. Ba bốn đốt sát mặt đất thường có rễ nhỏ. Thân non màu hoàn toàn xanh lá cây. Vách thân dày 1.2cm – 1.8cm.
Bẹ mo có đáy dưới rộng 12.5cm, cao khoảng 10cm, đáy trên rộng 8.5cm. Mặt ngoài phủ lông mềm, nằm, màu hung. Phiếnlá dài 24cm – 26cm và rộng 2.5cm – 3cm. Gốc lá gần tròn, đỉnh lá nhọn. Gân lá 6 đôi, hai mép có răng cưa nhỏ, sắc. Lưỡi lá cao 0.1cm, tai lá nhỏ, rộng 0.15cm, cao 0.1cm, thấp dần từ ngoài vào trong. Tai lá mang 4 đôi lông ngắn, màu trắng, dài 0.1cm. Cuống lá dài 0.4cm; rộng 0.25cm.
Tre bụng phật chủ yếu được trồng làm cảnh, đôi khi thân được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Trên đây là đặc điểm những loài tre phổ biến nhất tại Việt Nam. Hy vọng nội dung chia sẻ trên đây của Vựa Cừ Tràm Thái Dương sẽ đem lại cho bạn những thông tin hữu ích.